1. Khái niệm về bệnh:
Bệnh Dại là bệnh truyền lây từ động vật sang người do vi rút gây ra, ảnh
hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Vi rút
Dại tập trung nhiều trong nước bọt và não của động vật bị nhiễm bệnh. Vi rút
Dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật mắc bệnh Dại
(thường là chó trên 95% và mèo) sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước
trên cơ thể người; thời gian ủ bệnh Dại có thể từ vài ngày đến vài tháng. Các
biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh Dại ở người bao gồm: sợ nước, sợ gió, co
giật, liệt và dẫn đến tử vong. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ
lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và con người.
Bệnh Dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh
truyền nhiễm ở Việt Nam; Theo Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành
Luật, bệnh Dại thuộc Danh mục các bệnh động vật trên cạn, bệnh truyền lây giữa
động vật và người, bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh, bệnh phải tiêm
phòng bắt buộc bằng vắc xin.
Bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có vắc xin phòng bệnh; Quản
lý tốt đàn chó/mèo nuôi và thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo
nuôi là giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất để phòng ngừa lây nhiễm bệnh Dại từ
động vật sang người.
2. Sức đề kháng của vi rút
Vi rút có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 56oC trong vòng 30
phút, ở 60oC trong 5 - 10 phút và ở 700C trong 2 phút.
Vi rút bị mất độc lực dưới ánh nắng mặt trời và các chất sát trùng thông
thường (các dung môi hòa tan lipit như xà phòng, ether, chloroform, acetone,
rypsin, β-propiolacton và các chất tẩy rửa).
Vi rút rất nhạy cảm với tia cực tím và bị bất hoạt nhanh chóng trong dung
dịch cồn và cồn iốt.
Trong điều kiện nhiệt độ lạnh 40C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng,
ở nhiệt độ dưới 0oC vi rút sống được từ 3 - 4 năm.
3. Nguồn gây bệnh
Nguồn vi rút Dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó
sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo, chuột, gấu mèo, dơi, dơi hút máu và
động vật có vú khác.
2
Chó được coi là ổ chứa vi rút Dại ở động vật nuôi và có vai trò quan trọng
nhất truyền bệnh Dại cho người.
Một số loài động vật gần người như trâu, bò, dê, lợn, cừu, ngựa cũng có thể bị
mắc bệnh Dại và trở thành nguồn truyền bệnh tạm thời, nhưng ít lan truyền bệnh.
4. Động vật cảm nhiễm
Chỉ động vật có vú mới có thể mắc bệnh Dại. Các loài động vật có vú đều
có thể cảm nhiễm với vi rút dại ở mức độ khác nhau.
Tính cảm nhiễm cao nhất ở chó, mèo, cáo, chồn, dơi tiếp đến là trâu, bò,
lợn, khỉ, gấu, chuột...
Người cảm nhiễm cao đối với vi rút dại và sẽ có kháng thể chủ động chống
lại vi rút dại nếu được tiêm vắc xin dại.
Bệnh Dại cũng xảy ra ở chó và gia súc với số lượng đáng kể, tuy không phổ
biến nhưng đã được chẩn đoán ở trâu, bò, ngựa, dê, cừu, lợn và chồn.
5. Đường truyền lây
Bệnh Dại không lây truyền qua máu, nước tiểu hoặc phân của động vật bị
nhiễm bệnh, cũng không lây lan trong không khí
Vi rút Dại di chuyển từ não đến tuyến nước bọt trong giai đoạn cuối của
bệnh. Do đó, bệnh lây truyền chủ yếu qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài
tiết ra ngoài thông qua vết cắn, cào và vết liếm (trên vùng da bị tổn thương hoặc
vùng niêm mạc) vào cơ thể người hoặc động vật cảm nhiễm.
Vi rút Dại không thể đi qua vùng da nguyên vẹn. Bệnh có thể lây truyền
qua tiếp xúc các vết thương hở, niêm mạc với nước bọt, mô não, dịch cơ thể có
chứa vi rút dại; hít phải giọt khí dung chứa vi rút ở trong không khí môi trường
phòng thí nghiệm, hoặc trong hang có dơi bị nhiễm dại.
Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…)
của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền
từ người sang người rất hiếm gặp.
Một số ít các trường hợp lây truyền bệnh Dại từ người sang người qua ghép
tạng, ghép giác mạc và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị Dại.
6. Thời gian lây truyền bệnh Dại
Thời gian ủ bệnh trên người có thể từ vài ngày đến vài tháng tùy thuộc vào
vị trí của vết cắn, thông thường là từ 1 - 3 tháng, hiếm khi có trường hợp thời
gian ủ bệnh dưới 9 ngày hoặc kéo dài đến vài năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng và độc lực của vi rút, tình trạng
của vết thương, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh,
khoảng cách từ vết cắn đến não; vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương
thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Chó nhà mắc bệnh Dại có khả năng truyền lây vi rút gây bệnh (qua nước
bọt) cho người (các động vật cảm nhiễm) trước khi có triệu chứng bệnh Dại từ 3
- 7 ngày (tối đa 10 ngày) và trong suốt thời kỳ phát bệnh.
7. Dấu hiệu lâm sàng trên chó nghi mắc bệnh Dại
Biểu hiện lâm sàng ở chó nghi mắc bệnh Dại thường được chia làm 02 thể
là thể Dại điên cuồng và thể Dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó
mắc bệnh Dại biểu hiện xen kẽ cả 2 thể này, thời gian đầu có biểu hiện điên
cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.
a) Thể Dại điên cuồng: được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tiền triệu chứng hoặc khởi phát:
Giai đoạn tiền triệu chứng hoặc khởi phát rất khó phát hiện, chó có một số
biểu hiện khác thường sau:
Chó chủ yếu thay đổi về tính nết như trốn vào một góc tối, biểu hiện vui
mừng hơn bình thường, thỉnh thoảng cắn, sủa vu vơ lên không khí (như đớp
mồi), vẻ bồn chồn.
Khi chủ gọi, một số chó sẽ không đáp lại, tuy nhiên một số sẽ mừng rỡ hơn
hẳn, liếm chân, vẫy đuôi.
Thân nhiệt cao, ủ rũ - đây là dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với nhiều chứng bệnh
khác ở chó.
- Giai đoạn kích thích: lúc này vi rút Dại đã xâm nhập vào hệ thần kinh trung
ương khiến chó bị kích thích, nổi loạn và khó kiểm soát hơn. Biểu hiện chính của
thời kỳ này là các phản xạ thông thường của chó bị kích thích mạnh như:
Đang ngồi dưới đất bỗng đứng dậy, nhảy lên, thấy người lạ xông ra cắn sủa
dữ dội, chó có phản ứng quá mức đối với tiếng động và ánh sáng.
Chó bỏ ăn, nuốt khó khăn, phải vươn cổ ra để nuốt, cắn các vật lạ, khát
nước, uống liên tục nhưng chỉ uống được ít.
Quan trọng nhất, biểu hiện bệnh Dại ở chó cần lưu ý chính là con ngươi của
chó thường sẽ mở ra rất to, đáng sợ kèm theo chảy nước dãi và sùi bọt mép.
Sau khi phát bệnh 2 - 3 ngày, con vật có biểu hiện đặc trưng của bệnh Dại:
mắt đỏ ngầu, hai tai dựng ngược, mồm há hốc ra, hàm dưới trễ hẳn xuống, nước
dãi chảy thành dòng, bụng thóp lại; sợ nước, sợ nắng, sợ gió; tiếng sủa đặc trưng
do dây thần kinh ở họng bắt đầu bị liệt, chó phát ra tiếng hú.
Một số con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật
gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người.
- Thời kỳ bại liệt: Con vật bị liệt mặt, không ăn và không nuốt được, nước
bọt chảy ra nhiều, hàm dưới trễ hẳn xuống, sau đó liệt các cơ vận động và chết
do liệt hô hấp hoặc vì kiệt sức do sự vận động của cơn Dại và không ăn uống gì.
b) Thể Dại câm (giai đoạn bại liệt)
Là dạng bệnh không có các biểu hiện lên cơn Dại điên cuồng như thường
thấy; chó bệnh chỉ có biểu hiện buồn rầu, có thể bị bại liệt ở một phần cơ thể, nửa
người hoặc 2 chân sau, nhưng thường là liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra;
nước dãi chảy lòng thòng; con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.
* Đối với chó con: triệu chứng Dại thường không điển hình, chó con khi bị
Dại rất ít khi điên loạn, chỉ buồn bã, ủ rũ, chui vào xó nhà, không di chuyển
được do các chi bị liệt hoàn toàn.
8. Triệu chứng lâm sàng trên một số động vật khác
- Mèo bị bệnh ít hơn chó, bệnh Dại ở mèo cùng tiến triển như ở chó. Khi bị
bệnh thường buồn bã, tìm chỗ kín đáo để nằm; hoặc kêu nhiều, bồn chồn như khi
động dục, bứt rứt, nếu sờ vào lập tức bị cắn, sau đó bệnh nhanh chóng chuyển
sang thể bại liệt và chết.
- Trâu bò bị bệnh thường hung dữ đứng không yên, mắt nhìn trừng trừng,
húc vào bất cứ vật gì hoặc người lại gần, sau đó chuyển sang thể bại liệt và chết.
- Ở các loài khác biểu hiện tương tự như ở chó.
9. Bệnh tích
Bệnh tích đại thể ở chó mắc bệnh Dại ít điển hình; chỉ phát hiện dạ dày
trống rỗng hoặc có vật lạ;
Bệnh tích vi thể phát hiện ở sừng Amon của não với các tiểu thể Negri
đặc trưng cho bệnh Dại, có thể được quan sát qua kính hiển vi huỳnh quang.