THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đây là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh tới đông đảo người dân. Một số điểm mới đáng lưu ý trong Luật là:
1. Đã uống rượu, bia thì không được lái xe
Tại Điều 5 của Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó có nhắc đến việc cấm uống rượu, bia trước và trong khi lái xe. Cụ thể là hành vi: “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa. Ngoài ra, Luật còn nghiêm cấm các hành vi: Lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc người khác uống rượu bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về việc ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe,…
2. Phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”. Như vậy, từ ngày 01/01/2020, tất cả những cơ sở nào bán rượu, bia như: các cửa hàng tạp hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn…đều phải chấp hành nghiêm các quy định trên.
3. Quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu, bia
Tại khoản 6 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”. Như vậy, đã uống rượu, bia thì không lái xe.
4. Không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện
Theo khoản 7 Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, kể từ ngày 01/01/2020, không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ có thể hiểu là các quán bia, nhà hàng có phục vụ rượu, bia.
5. Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu, bia
Theo khoản 1 Điều 34 của Luật, các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 34 còn đề nghị gia đình cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
6. Không quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn trong khung giờ “vàng”
Việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Riêng trong trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 của Luật, cụ thể không quảng cáo:
- Trong sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
- Trên phương tiện giao thông;
- Trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài;…
THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Một số điểm mới trong nghị định 123 của chính phủ
Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng. Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Theo quy định mới, nhiều lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được nâng mức phạt lên gấp nhiều lần so với quy định cũ:
1. Tăng gấp đôi mức phạt không đội mũ bảo hiểm
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng. Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định rõ hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng, tăng gấp đôi so với Nghị định 100.
Ngoài ra, tại Nghị định 123, nhiều mức phạt có tính chất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn có thương vong cũng được tăng mức phạt. Cơ quan chức năng tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành. Nếu trường hợp đua ô tô, mức xử phạt cũng tăng 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng.
2. Phạt tối đa 12 triệu đồng nếu bằng lái quá hạn
Tại Nghị định 123, việc sử dụng giấy phép lái ô tô chia làm 2 mức. Trong đó, người sử dụng giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng.
Người sử dụng giấy phép quá hạn trên 3 tháng, không có hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng.
Nghị định cũng tăng mức xử phạt từ 800.000 – 1,2 triệu đồng lên 1-2 triệu đồng đối với người lái xe máy dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mà không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép bị tẩy xóa. Cơ quan chức năng cũng tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng lên 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên 175 cm3, không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.
3. Tăng gấp 6 lần mức phạt hành vi che biển số xe ô tô, xe gắn máy
Cụ thể, tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123 quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng nếu:
Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 100 hành vi che biển số xe chỉ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Tại khoản 10 Điều 2 Nghị định 123 quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi:
Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển. Nghị định 100 quy định mức phạt đối với hành vi che biển số xe dành cho người điều khiển xe gắn máy là 100.000 - 200.000 đồng.
4. Tăng gấp 10 lần đối với hành vi sản xuất biển số giả
Theo đó, cá nhân có hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt mức 10-12 triệu đồng và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức có hành vi Sản xuất biển số trái phép.
5. Phạt tối đa 75 triệu đối với hành vi xe chở quá tải
Hành vi chở quá số người quy định trên xe khách, đối với chủ xe là cá nhân, cơ quan chức năng quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên, tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 40 triệu như trước đây tăng lên thành không vượt quá 70 triệu đồng.
Đối với chủ xe là doanh nghiệp, phạt tiền 2-4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 80 triệu như trước đây được tăng lên không vượt quá 150 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, trước đây cơ quan chức năng chia làm 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1-16 triệu đồng.
Tại Nghị định 123, cơ quan chức năng kiến nghị chỉ còn 3 mức xử lý gồm: Quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50% với mức xử phạt lần lượt là 4-6 triệu đồng, 13-15 triệu đồng và 40-50 triệu đồng.
Chủ xe phương tiện cũng bị tăng mức phạt từ 18 đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36-150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.
6. Phạt tới 12 triệu đồng đối với hành vi đỗ xe trên cao tốc
Mức phạt cũng tăng 6-8 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng đối với vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ có mức xử phạt 600.000 đồng-1 triệu đồng tăng lên 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước bằng lái 1-3 tháng được giữ nguyên.
Việc điều chỉnh nâng mức xử phạt lần này bước đầu đã tạo được chuyển biến trong nhận thức và ý thức của người điều khiển phương tiện. Qua đó, góp phần hạn chế vi phạm, tiếp tục kéo giảm số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung./.
THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận - Trưởng Ban An toàn giao thông
Quận Ngô Quyền về tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ, lực lượng vũ trang trong việc chấp hành các quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông,
Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Ban An toàn giao thông Quận Ngô Quyền chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Theo đó, Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Ban An toàn giao thông Quận Ngô Quyền yêu cầu:
1. Các cơ quan, đơn vị, trường học thuộc quận, Công an quận, Ban Chỉ huy Quân sự quận, UBND 12 phường:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và quận về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
- Thường xuyên quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông.
- Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ký cam kết với thủ trưởng đơn vị trong việc chấp hành các quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về nồng độ cồn.
2. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận phối hợp và thường xuyên quán triệt tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các vi phạm về nồng độ cồn.
3. Giao Ban An toàn giao thông quận, Phòng Văn hóa và Thông tin quận, UBND các phường phối hợp chặt chẽ với Công an quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, đặc biệt là các lỗi vi phạm nồng độ cồn.
4. Giao Công an quận chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp UBND quận theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, xử lý các vi phạm với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tiến hành xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm nồng độ cồn, đề xuất xử lý theo quy định.
5. Giao Phòng Nội vụ quận tham mưu UBND quận tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; theo dõi, tổng hợp các trường hợp có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy định nồng độ cồn (nếu có) và đề xuất UBND quận xử lý theo quy định.